Đọc báo giúp bạn
Phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm (Ngày đăng: 24/02/2023)

Cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước dưới đất (nước ngầm) trên địa bàn thành phố, qua đó làm cơ sở để đơn vị cấp nước cũng như chính quyền địa phương quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm khai thác nước ngầm, bảo vệ nguồn tài nguyên…

Hỗ trợ trám lấp giếng khoan tại hộ gia đình, khuyến khích người dân sử dụng nước máy.

Theo bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước ngầm, Quận 12, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn có 35 khu vực nằm trong diện hạn chế khai thác. Ðây là những địa phương thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Trung An quản lý cấp nước qua đồng hồ. Theo chân ông Nguyễn Quốc Thông, nhân viên đọc số thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Trung An đến ghi chỉ số đồng hồ nước tại một hộ dân ở khu phố 6, đường Nguyễn Ảnh Thủ, Quận 12, tại đây, chỉ số đồng hồ thể hiện 2m3 (cho kỳ đọc số tháng 2), trong khi gia đình này có 4 nhân khẩu. Ông Nguyễn Văn Keo, chủ hộ cho hay, từ rất lâu gia đình ông đào giếng khoan sử dụng, kể cả dùng nước giếng để ăn uống. Cách đây 6 năm do có chương trình gắn đồng hồ nước miễn phí nên ông xin gắn nhưng cũng chỉ dùng nước máy ăn uống còn sinh hoạt thì vẫn dùng hệ thống giếng khoan.

Chỉ tay vào xô nước giếng vừa bơm lên, ông Keo nói luôn: "Hằng ngày nhà tôi vẫn tắm giặt không hết nên cứ duy trì hệ thống giếng, nếu không bỏ đi rất phí. Nhân viên đọc số thuyết phục chuyển qua sử dụng hoàn toàn nước máy nhưng theo tôi không có tác hại gì nên không cần thiết…".

Bà Vũ Thị Kim Phụng, ngụ số 180 A/1 phường Trung Mỹ Tây, Quận 12 lại quyết tâm từ bỏ nước giếng sau khi thấy lỗ khoan giếng trong nhà đột nhiên bị sụt, nước bơm lên có cát. Từ đầu năm 2022 đến nay, bà Phụng quyết định chuyển qua sử dụng nước máy hoàn toàn. Trước đó, hộ bà Phụng sử dụng khoảng 3m3/tháng nay đã tăng lên 26 m3/tháng.

Cùng với việc ban hành danh mục, bản đồ phân vùng, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường công bố danh mục, bản đồ này trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đăng tải lên cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời thông báo đến Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức, ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có vùng, khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Ngoài ra, Sở phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức, ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân trong việc trám lấp các giếng khai thác không đúng quy định; các giếng hư hỏng, không sử dụng theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm phòng tránh ô nhiễm nguồn nước dưới đất.

Theo ông Nguyễn Minh Hải, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Trung An: Thành phố ban hành quy định về danh mục, bản đồ phân vùng, hạn chế khai thác nước ngầm chính là cơ sở để các đơn vị quản lý cấp nước rà soát những vùng hạn chế khai thác nước ngầm, qua đó phối hợp chính quyền địa phương vận động người dân sử dụng nước máy qua đồng hồ. Ðặc biệt đối với những khu vực ô nhiễm (nghĩa trang, bãi rác) kiên quyết yêu cầu khách hàng trám lấp giếng nếu sử dụng song song cả hai hệ thống (nước máy và nước giếng khoan) nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân.

Thống kê của Công ty cổ phần Cấp nước Trung An, năm 2022 tỷ lệ đồng hồ nước do công ty quản lý có chỉ số từ 0-4m3 (sử dụng dưới 4m3 nước trên một hộ) là 25,68% (94.151/ 354.234 đồng hồ). Tỷ lệ này được xem là cao nhất trong các đơn vị quản lý cấp nước trực thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Cấp nước Trung An, tỷ lệ này của năm 2022 đã giảm gần 6% so với năm 2021 do công ty tăng cường phối hợp các quận, huyện thuộc địa bàn cấp nước tuyên truyền đến khách hàng nhằm hạn chế sử dụng nước giếng, thực hiện trám lấp giếng khoan. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ khách hàng sử dụng nước qua đồng hồ vẫn còn thấp, chưa đạt tiêu chí mà thành phố đề ra.

Ông Nguyễn Minh Hải nhận định, trong khi đồng hồ nước được gắn tận nhà, phần lớn đồng hồ nước được gắn miễn phí nhưng rất nhiều hộ gia đình ở khu vực vùng ven vẫn lựa chọn sử dụng nước giếng khoan, vừa gây lãng phí nguồn nước sạch có sẵn, vừa ảnh hưởng sức khỏe của người dân và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm của thành phố.

Cũng qua ghi nhận thực tế ở khu vực vùng ven, một số doanh nghiệp mặc dù đã có hệ thống nước máy nhưng vẫn sử dụng nguồn nước ngầm trong sản xuất, kinh doanh do được cấp phép khai thác nước ngầm của cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài nguyên và Môi trường); hay quy định về cấp phép khai thác nước ngầm chỉ quản lý cấp phép đối với các tổ chức khai thác hơn 10 m3, trong khi đối tượng là hộ dân lại không bị điều chỉnh. Ðây chính là hạn chế khiến công tác quản lý về khai thác nước ngầm chưa đủ sức chế tài như mong muốn.

Không chỉ kiểm soát và hạn chế khai thác nước ngầm đối với tổ chức và hộ dân, việc thực hiện kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất cũng được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn xây dựng lộ trình triển khai.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, tính đến tháng 11/2022, Tổng công ty còn duy trì khai thác 22 trạm/nhà máy nước với tổng công suất khai thác nước ngầm là 67.000 m3/ngày. Ðối với các trạm cấp nước đang vận hành, Tổng công ty luôn tổ chức lấy mẫu nước kiểm nghiệm theo định kỳ nhằm giám sát chặt chẽ và bảo đảm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn.

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết: Hiện sản lượng khai thác nước ngầm của Tổng Công ty đã giảm gần 40% so với sản lượng khai thác ở thời điểm cuối năm 2017 (trước khi có Quyết định số 1242/QÐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh).

Song hiện nay do mạng lưới cấp nước của thành phố chưa hoàn thiện, nhất là đối với các khu vực đô thị mới, khu vực vùng ven nên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn vẫn phải dùng hệ thống giếng khoan dự phòng; từ đó đề xuất thành phố cho điều chỉnh lộ trình giảm khai thác nước ngầm, cho phép kéo dài thời hạn giảm khai thác nước ngầm đến năm 2030.

QÚY HIỀN

nhandan.vn

Số lượt xem: 1645