Ngày 25-8, đoàn khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM đã đến Sở TN&MT TP.HCM để làm việc liên quan đến công tác thực hiện giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.
Nguồn nước ngầm không đạt chỉ tiêu chất lượng
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban Đô thị HĐND TP.HCM, cho biết nước ngầm là tài nguyên, nếu khai thác quá sẽ gây sạt lở. Với những đơn vị quản lý nước, phải phân vùng được vùng nào cần hạn chế, vùng nào có thể khai thác để không lãng phí tài nguyên.
Ông Thanh đánh giá gần như các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi rất ít sử dụng nước máy mà chủ yếu là sử dụng nước ngầm. Do đó, đề nghị Sở TN&MT TP có kế hoạch kiểm tra xem việc khai thác này ảnh hưởng như thế nào, có gây sạt lở hay không. Ngoài ra, do trên địa bàn huyện Củ Chi có bãi chôn lấp rác nên cần kiểm tra xem nguồn nước nơi đây có ảnh hưởng đến người dân không. “Nếu có thể cung cấp nước máy được trên địa bàn thì cần đẩy nhanh hỗ trợ khu vực này” - ông Thanh nói.
Liên quan đến những hộ gia đình sử dụng nước dưới mức quy định, ông Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan khoanh vùng và tuyên truyền cho người dân biết tác hại của việc sử dụng nước giếng. Với những nơi thiếu nước sạch, các đơn vị phải có kế hoạch cung cấp nước sạch cho người dân.
Còn theo ông Đào Phú Khánh, Trưởng Khoa sức khỏe môi trường Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện nay ngoài những hộ dân sử dụng nước máy thì còn nhiều hộ dân sử dụng song song nguồn nước máy và nước giếng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã có giám sát nguồn nước giếng mà người dân sử dụng. Qua kết quả giám sát, gần như những mẫu nước giếng này đều không đạt một số chỉ tiêu về chất lượng. Những hộ dân sử dụng nguồn nước giếng tự khai thác không qua hệ thống xử lý có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, trung tâm khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước giếng, chuyển qua sử dụng nước máy.
Nhiều người dân vẫn sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Khảo sát lắp đặt đồng hồ nước sạch cho người dân
Sau bốn năm thực hiện việc giảm cấp phép khai thác nước dưới đất theo lộ trình, hiện nay TP còn 159 công trình (đã giảm cấp phép 422 công trình), trong đó có chín công trình (giảm được sáu công trình) do Bộ TN&MT cấp phép. Đối với các giếng khai thác nước dưới đất không đủ điều kiện gia hạn cấp phép, Sở TN&MT TP đã đề nghị chủ giấy phép thực hiện trám lấp giếng khai thác theo đúng quy định.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP còn 100.000 m3/ngày đêm và thực hiện trám lấp giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật của TP, Sở TN&MT TP đã thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, Sở TN&MT TP phối hợp cùng các đơn vị liên quan khảo sát từng khu vực để lắp đặt đồng hồ nước sạch cho người dân, đồng thời đẩy nhanh công tác phát triển mạng lưới cấp nước, đảm bảo áp lực và chất lượng nước sạch nhằm khuyến khích người dân sử dụng nước thủy cục thay cho nước giếng.
Đối với nhóm đối tượng là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất, TP chỉ xem xét cấp phép ngắn hạn cho các đơn vị có hoạt động sản xuất đặc thù và những nơi có nguồn nước cấp không đủ về áp lực.
Ngoài ra, Sở TN&MT TP cũng phối hợp cùng Sở Tài chính, Cục Thuế TP tham mưu cho UBND TP ban hành quyết định liên quan đến giá tính thuế tài nguyên nước, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thuế tài nguyên nước, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đây sẽ là công cụ tài chính nhằm hạn chế khai thác nước dưới đất.
Thời gian tới, Sở TN&MT TP sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định. Đồng thời có chính sách ưu đãi, giá nước linh hoạt để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nguồn nước cấp của TP. Cạnh đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng chuyển sang sử dụng nước cấp của TP.•
Độ sụt lún nền bình quân hằng năm tại TP.HCM khoảng 2 cm
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng vừa có báo cáo kết quả khảo sát liên quan đến các giải pháp ứng phó với vấn đề sụt lún tại TP.HCM. Báo cáo nêu rõ độ sụt lún nền bình quân hằng năm tại TP.HCM ở mức khoảng 2 cm, cá biệt có nơi đến 6 cm. Theo đó, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún tại TP.HCM là khai thác nước ngầm quá mức.
Một trong những giải pháp JICA đưa ra để hạn chế sụt lún nền là ổn định mực nước ngầm nhằm giải quyết tình trạng giảm mực nước ngầm do khai thác quá mức. Mực nước ngầm được ổn định bằng cách điều tiết việc sử dụng nước ngầm, như cấm khai thác nước ngầm. Ngoài việc thực thi các hạn chế về khai thác nước ngầm, việc khai thác nước mặt và xây dựng hệ thống cấp nước đang được thực hiện để có nguồn nước thay thế.