Học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách HCM
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (Ngày đăng: 29/07/2022)

Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ  (27/7/1947 - 27/7/2022), Đảng ủy Công ty Cổ phần Cấp nước Trung An tổ chức sinh hoạt dưới cờ sáng thứ Hai, ngày 25/7/2022 với nội dung "Phút mặc niệm hồn tử sĩ" để tưởng nhớ các anh hùng chiến sĩ đã hy sinh vì tự do, độc lập dân tộc.

Phút mặc niệm hồn tử sĩ. Ảnh: Quốc Khánh.

Tiếp theo đó là phần kể chuyện Bác Hồ với tựa đề "Tấm lòng của Bác với thương binh liệt sĩ". Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc.
 


"Tấm lòng của Bác với thương binh liệt sĩ". Nguồn: Hãng Phim Trẻ.


Kể chuyện Bác Hồ với tựa đề "Tấm lòng của Bác với thương binh liệt sĩ". Ảnh: Quốc Khánh

Cùng với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Đảng ủy và đoàn thể Công ty tổ chức đi thăm và tặng quà cho mẹ Việt Nam Anh Hùng Lê Thị Xứ, ở ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng, Huyện Củ Chi. Mẹ Xứ sinh năm 1930, được Cấp nước Trung An hỗ trợ phụng dưỡng kể từ năm 2015, với số tiền phụng dưỡng là 24.000.000 đồng/năm.


Cấp nước Trung An ngồi nghe mẹ Xứ kể chuyện thời kháng chiến tại địa đạo. Ảnh: Tâm Nguyễn.


Trao quà phụng dưỡng cho mẹ Xứ. Ảnh: Tâm Nguyễn.

 

Tấm lòng của Bác đối với thương binh, liệt sĩ
Ngày 10 tháng 3 năm 1946 báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ. Trong thư có đoạn Người viết: "Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng".
  Tiếp sau đó, trong Thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viết: "Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng".
   Hơn nửa tháng sau khi đi Pháp về, ngày 7 tháng 11 năm 1946, Người đã đến dự lễ "Mùa đông binh sĩ" do Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Một số chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, một số nữa là thương binh, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn, mặc dầu anh chị em tình nguyện chịu đựng không kêu ca,  phàn nàn.
  Trước tình hình ấy, tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm "Ngày thương binh" để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Có lẽ - trừ những ngày kỷ niệm quốc tế - "Ngày thương binh" là ngày kỷ niệm trong nước đầu tiên được tổ chức.Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gồm có một số đại biểu ở Trung ương, khu và tỉnh. Hội nghị nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày thương binh liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.
Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27 tháng 7 năm 1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban tổ chức " Ngày thương binh toàn quốc " Đầu thư Người viết :" Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh".
     Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích:"thương binh là người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ".
     Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.Năm sau, ngày 27 tháng 7 năm 1948, trong một thư dài đầy tình thương yêu, Bác nói: " Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào".
    Người xót xa viết: " Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh".

 Theo Tâm Nguyễn.

Số lượt xem: 971