Đọc báo giúp bạn
TP.HCM đến 2022 có nơi lún hơn 0,2m so với 10 năm trước và có thể lún thêm 1m đến 2050 (Ngày đăng: 22/08/2022)

Truyền hình Quốc Hội - TPHCM thường xuyên chịu cảnh ngập nặng do tình trạng sụt lún ngày càng lớn bởi khai thác nước ngầm kèm thủy triều tăng cao. Để giảm thiểu tình trạng khai thác nước ngầm quá mức cần phải có sự kết hợp đồng bộ, người dân, chính quyền và cả các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn.


Bộ TN&MT cho biết, qua quan trắc trong 10 năm tại TPHCM, vùng không bị lún có mật độ khai thác nước ngầm thấp, vùng sụt lún lớn có mật độ khai thác cao, trên 100 ngàn m3 mỗi ngày. Sụt lún hơn 20 cm ở các quận 2, 7 và Bình Thạnh, từ 10 - 20 cm nằm ở các quận, huyện vùng ven.

Ông TRẦN VĂN TƯ, Thị trấn Hóc Môn, Huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh: “Tôi quen xài 40 năm rồi, thấy nước cũng tốt. Hôm trước, tôi có xin gắn đồng hồ, nhưng mùi nước mới này không quen, gia đình sử dụng không được nên tiếp tục xài nước giếng này”.

Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC, Thị trấn Hóc Môn, Huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh: “Mùi nước rất phèn, tanh lắm. Thấy thì trong nhưng ngửi rất tanh, mùi phèn, cho nên không dùng được. Tắm rửa nhiều khi không muốn dùng, bí quá thì phải dùng thôi, cho nên xin nước máy để phục vụ sinh hoạt”.

Theo số liệu của Sở TN&MT TPHCM, tổng lượng nước ngầm toàn thành phố trung bình khai thác hơn 700.000 m3/ngày, trong đó, các hộ dân khai thác hơn 300.000 m3, còn lại là doanh nghiệp sản xuất và đơn vị cấp nước.

Ông HUỲNH THANH NHÃ, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở TN&MT TPHCM:“Nhu cầu người dân luôn tức thì, người dân nhập cư, sinh sống, thuê nhà… thì nhu cầu phát triển nhanh lắm. Không thể nào xoay sở kịp. Giải pháp của họ thì chỉ còn cách sử dụng nước giếng chứ không còn cách nào khác”.

Ghi nhận của Truyền hình Quốc hội, tại vùng ven như quận 12, Bình Tân, Huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… , người dân thường xuyên sử dụng nước giếng do đặc thù khai thác từ lâu đời phục vụ chăn nuôi, tưới tiêu… Nước máy được cung cấp chủ yếu phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Một số trường hợp có nhu cầu nhưng không thể đăng ký nước máy do sở hữu nhà mua vi bằng, nhà 3 chung, đồng sở hữu.

Ông NGUYỄN MINH HẢI, Phó Giám đốc Công ty CP cấp nước Trung An: “Về Việc gắn đồng hồ nước, hiện có những địa bàn đã có đường ống, tuy nhiên có những nhà 3 chung, nhà vi bằng, đã báo cáo rất nhiều và gặp khó khăn là TP Hồ Chí Minh không gắn đồng hồ điện, nước cho những chỗ này”.

Mới đây, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố kết quả nghiên cứu cho thấy nếu tình trạng khai thác nước ngầm như giai đoạn hiện nay, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục sụt lún, mức độ có thể lên đến 0,8 đến 1 mét vào năm 2050.

Thực hiện : Nguyễn Sơn Tăng Sắc
Link gốc: https://www.quochoitv.vn/tphcm-den-2022-co-noi-lun-hon-02m-so-voi-10-nam-truoc-va-co-the-lun-them-1m-den-2050

Số lượt xem: 1368