Tổng quát
ĐÊM NẰM NGHE NƯỚC "THỞ": ĐÓNG GÓP THẦM LẶNG (Ngày đăng: 17/05/2017)


Hàng ngàn điểm xì, bể ống nước được phát hiện và khắc phục kịp thời, giúp ngăn chặn hiệu quả nguồn nước thất thoát

     Chủ động tìm điểm xì, bể để sửa chữa là việc làm thường xuyên, được xác định là cách chủ yếu để giảm lượng nước thất thoát. Tuy nhiên, công việc này được thực hiện chủ yếu vào ban đêm nên ít người biết đến những đóng góp của công nhân (CN) dò ống nước.

Chuyển sang dò ngày

     Ông Bùi Quang Thiên Chương, Trưởng Ban Giảm nước không doanh thu - Công ty CP Cấp nước Thủ Đức (TP HCM), cho biết nguồn nước bị thất thoát vì 2 lý do chính. Thứ nhất là gian lận, khách hàng, người dân trộm nước xài chùa thời gian dài. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công ty vẫn có thể thu lại được tiền dù gặp nhiều khó khăn.

     Lý do thất thoát nước thứ hai là hư hỏng đường ống - vì ống mục, đơn vị thi công làm nứt hay bể nhưng khắc phục tạm bợ, lâu ngày nước bị xì hoặc xe tải hạng nặng đi qua nền đường yếu. Nguồn nước thất thoát này không thu lại được nên việc chủ động tìm các điểm xì, bể là giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

     Theo ông Chương, Công ty CP Cấp nước Thủ Đức là một trong những đơn vị có tỉ lệ thất thoát nước thấp nhưng năm 2011 cũng chiếm đến 28,5%, chủ yếu chảy vào lòng đất. Hiện tỉ lệ này đã giảm còn 17,8%, phần lớn nhờ vào việc xác định các điểm xì, bể.


 

     Anh Lâm Văn Việt, công nhân Công ty CP Cấp nước Thủ Đức, dò tìm điểm xì, bể vào ban ngày ở khu vực yên tĩnh, áp lực nước ổn định

     Trước đây, CN dò ống nước của Công ty CP Cấp nước Thủ Đức cũng làm đêm như các đơn vị khác nhưng hiện đã chuyển sang dò ngày. Ban đêm yên tĩnh, áp lực nước cao vì người dân ít sử dụng nên khi dò tìm dễ phát hiện. Tuy nhiên, công ty xác định khoảng 95% điểm xì, bể nằm ở ống nhánh nối vào đồng hồ nước trong nhà dân. Nhiều khu vực công ty đảm trách cấp nước ở các quận 2, 9 và Thủ Đức khá yên tĩnh, áp lực nước ban ngày cũng mạnh nên việc dò tìm điểm xì, bể vẫn có thể thực hiện được vào ban ngày.

     Việc dò ngày cũng hiệu quả hơn khi CN làm việc 8 giờ thay vì khoảng 4-5 giờ nếu làm đêm. Minh chứng là số điểm xì, bể phát hiện năm 2016 - khi Công ty CP Cấp nước Thủ Đức đã chuyển sang dò ngày - là 1.226, trong khi các năm trước chỉ khoảng 600-800 điểm/năm.

     Anh Lâm Văn Việt, CN dò ống nước Công ty CP Cấp nước Thủ Đức, cho biết từ khi chuyển sang làm việc ban ngày, anh thấy thoải mái hơn. Anh bày tỏ: "Dò đêm thì mệt mỏi, nhiều nguy hiểm rình rập dù mỗi tuần vẫn làm 5 ngày".

     Cách dò ngày cũng khác: CN cầm bút điện tử dò trực tiếp từ các đồng hồ nước trong nhà dân. Khi thấy dấu hiệu bất thường, họ dùng thiết bị khuếch đại âm thanh để dò dọc ống nhánh vào nhà để biết chính xác vị trí điểm xì, bể. Với nhà vắng người, CN mới hẹn buổi tối để đến kiểm tra.

Giảm nhanh thất thoát

      Ông Hồ Minh Thông, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Mạng lưới Công ty CP Cấp nước Trung An, cho biết cuối năm 2014, tỉ lệ thất thoát nước ở công ty trên 30% nhưng hiện đã giảm còn dưới 22%. Việc sớm phát hiện và khắc phục các điểm xì, bể giúp kéo giảm thất thoát nước nhiều nhất và nhanh nhất.

     Theo ông Thông, việc phát hiện sớm điểm xì, bể còn giúp hạn chế được tình trạng chất bẩn xâm nhập đường ống nước. Bên cạnh đó, tình trạng sụt lún nhỏ trên đường cũng như áp lực nước đến nhà dân được cải thiện.

     Giám đốc Công ty CP Cấp nước Tân Hòa (TP HCM), ông Trần Hữu Năm, cũng thừa nhận dò tìm điểm xì, bể để sửa chữa là một phần trong các giải pháp kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước. Năm 2016, tỉ lệ thất thoát nước của công ty giảm 6,5%, một phần nhờ sự đóng góp của CN dò tìm điểm xì, bể. Ngoài ra, công ty còn nhận tin báo của người dân hoặc nhân viên đơn vị phát hiện và báo về. Công việc này sẽ được duy trì trong nhiều năm tới, khi các thiết bị mới chưa được ứng dụng nhiều do giá thành cao.

     Theo ông Năm, các điểm xì, bể ngày càng ít do nhiều đường ống được thay mới, việc phát hiện và khắc phục sự cố tiến hành kịp thời. Vì vậy, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa đang tính đến chuyện giảm số lượng điểm xì, bể giao khoán cho CN. Bên cạnh đó, công ty còn có chính sách thưởng kịp thời nếu CN phát hiện được nhiều điểm xì, bể hơn quy định hay điểm bể lớn, bể ngầm lâu nay chưa phát hiện.

     "Ngoài việc khuyến khích CN phát huy kỹ năng, kinh nghiệm thì công ty còn tổ chức cho họ tham quan, học tập ở các đơn vị khác. Ngoài ra, một số thiết bị hiện đại như máy dò tìm và bút điện tử nghe rò rỉ cũng giúp việc phát hiện điểm xì, bể đạt hiệu quả. Máy dò được sử dụng để xác định vị trí xì, bể ở các con đường, tuyến hẻm trước nhà dân. Còn bút điện tử được dùng để xác định vị trí rò rỉ, nhất là ở đồng hồ nước hộ gia đình và đường ống dẫn vào nhà" - ông Năm cho biết.

Máy móc chưa thể thay thế

     Ở TP HCM, nhiều khu vực ồn ào, hoạt động cả ngày đêm nên việc đào tạo một người thợ dò tìm ống nước lành nghề là rất khó và cần kinh nghiệm thực tế. Do đó, nhiều CN lão làng đã nghỉ hưu nhưng các công ty vẫn giữ lại để đào tạo, truyền nghề cho những thợ mới. Ông Hồ Minh Thông, cho biết dù có đầu tư thêm nhiều thiết bị kỹ thuật thì vẫn không thể thay thế được lực lượng này.

     Hiện nay, một số công ty đã trang bị thiết bị tiền định vị để đưa ra những cảnh báo khi có sự bất thường trên đường ống cấp nước. Tuy nhiên, thiết bị này có giá rất cao, khoảng 1.500 USD/cái, nên các đơn vị chỉ mua số lượng hạn chế để phục vụ dò tìm lưu động.

     "Mặc dù vậy, nếu lắp đặt cố định với khoảng cách 500 m/vị trí dọc đường ống thì cũng chỉ cảnh báo trên đoạn đó, chứ muốn biết vị trí chính xác thì vẫn cần con người trực tiếp dò lại. Ngoài ra, chi phí để bảo quản số thiết bị này cũng rất tốn kém bởi dữ liệu được truyền qua 3G" - ông Thông nhấn mạnh.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Số lượt xem: 723